Người cán bộ Đoàn làm kinh tế giỏi trên quê hương Cà Mau
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiều thanh niên đã mạnh dạn dấn thân, dám nghĩ, dám làm, dám đối mặt với thách thức, tích cực học tập trang bị kiến thức và kỹ năng, tự tin khởi nghiệp, vươn lên thoát nghèo. Một trong những mô hình thành công ở Cà Mau là mô hình “Trồng cây ăn trái kết hợp với nuôi cá đồng” của những đoàn viên thanh niên xã Khánh Hội, huyện U Minh.
Anh Thuận tạo dáng táo kiểng
Anh Trần Minh Thuận, đoàn viên Chi đoàn Ấp 8, xã Khánh Hội, huyện U Minh, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế của Xã đoàn Khánh Hội, cho biết: Anh bắt đầu trồng táo năm 2015. Lúc đầu, mô hình còn mới mẽ, ít kinh nghiệm và vốn hạn hẹp nên anh chỉ cải tạo 1/3 diện tích đất và trồng thí điểm hơn 150 gốc táo, đồng thời nuôi cá đồng dưới ao để thử nghiệm. Thông qua các cuộc họp chi đoàn, sinh hoạt câu lạc bộ, anh đã mạnh dạn đề xuất với Đoàn thanh niên xã và Huyện đoàn U Minh và được quan tâm hỗ trợ nguồn vốn khoa học công nghệ với kinh phí 120 triệu đồng. Anh đã đầu tư cải tạo đất, máy bơm, cây giống, con giống và tập huấn kỹ thuật. Hiện nay, mô hình của gia đình đã có 500 gốc táo hồng, 100 gốc nhãn đang vào mùa thu hoạch, dưới ao nuôi cá đồng. Tính bình quân mỗi tháng số tiền thu được từ mô hình hơn 30 triệu đồng, trừ chi phí mỗi năm lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 4 lao động tại ấp. Ðặc biệt, anh Thuận còn có sở thích nghiên cứu, tạo dáng táo kiểng, nâng cao giá trị cho loại cây này.
Với Mô hình trên, anh Trần Minh Thuận đã được chứng nhận “Mô hình khởi nghiệp thành công” do Tỉnh đoàn Cà Mau công nhận và bản thân được tuyên dương Thanh niên tiên tiến học tập và làm theo lời Bác tỉnh Cà Mau. Anh còn tích cực hỗ trợ, giúp đỡ nhiều bà con trong ấp nói riêng và xã Khánh Hội nói chung để phát triển kinh tế gia đình, chuyển giao kỹ thuật, mô hình để bà con làm ăn có hiệu quả hơn.
Thu hoạch táo ở tran g trại xã Khánh Hội
Theo anh Trương Văn Dũng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất Hương Táo (xã Khánh Hội), giống táo hồng ở Cần Thơ có ưu điểm cho trái sai, năng suất cao, vị ngọt, ít sâu bệnh, người tiêu dùng ưa chuộng. Là một trong những người đầu tiên xây dựng mô hình này, năm 2005 anh Dũng trồng thử nghiệm 2 công táo với khoảng 100 cây táo giống táo hồng. Hơn 10 năm qua, vườn táo của gia đình anh đem lại thu nhập từ 80 – 90 triệu đồng mỗi năm. Những năm trúng mùa, sau khi trừ đi chi phí cũng còn từ 100 – 120 triệu đồng. Cuộc sống gia đình anh ngày một ổn định hơn.
So với lúa và một số loại cây trồng khác thì táo cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Từ hiệu quả mà cây táo mang lại, đến nay trên địa bàn ấp 8, xã Khánh Hội, huyện U Minh đã có gần 20 hộ tham gia trồng loại cây trồng này. Hầu hết, các hộ tham gia trồng đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhằm duy trì và nhân rộng mô hình, cũng như đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, hiện nay các hộ dân nơi đây đã liên kết lại và thành lập Tổ hợp tác sản xuất Hương Táo với khoảng 7.000 gốc táo, thu nhập bình quân từ 80-100 triệu đồng/thành viên/năm. Ngoài cây táo, bà con Ấp 8 còn trồng kết hợp các loại cây ăn trái khác như cam, quýt, ổi, dưới kênh thì trồng bông súng, rau đồng, nuôi cá nước ngọt…, góp phần nâng cao thu nhập trên cùng diện tích.
Những năm qua, tỉnh Càu Mau ghi nhận dòng dịch chuyển lao động lớn, chủ yếu là người trẻ ở nông thôn tìm kiếm cơ hội việc làm và thu nhập ở ngoài tỉnh. Bằng nhiều hoạt động nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để phát triển, phong trào thanh niển khởi nghiệp làm kinh tế ở Cà Mau đã được lan tỏa, thu hút nhiều thành phần tham gia phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho quê hương, góp phần hiệu quả vào công tác xóa đói giảm nghèo./.
Theo Ban TĐKT Cà Mau