24/05/2022 05:41

Sách giáo khoa bị lãng phí như thế nào?

Cuối tháng 4, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố giá sách lớp 3, 7 và 10 theo chương trình mới, sử dụng từ năm học 2022-2023. Bên cạnh ý kiến cho rằng, giá sách mới quá cao, nhiều phụ huynh nhân dịp này bày tỏ bức xúc khi liên tục phải mua mới sách giáo khoa thay vì tái sử dụng, coi đây là sự lãng phí lớn.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Hà Nội chia sẻ với tâm trạng của phụ huynh song cho rằng, cách hiểu trên là chưa đầy đủ. Sách giáo khoa được biên soạn theo chương trình phổ thông từng giai đoạn. Từ 2020, chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng, nên việc thay sách "là tất yếu". Trước khi ra sách mới cho lớp 3, 7, 10, các khối 1, 2 và 6 đã lần lượt được thay sách hai năm trước. Theo lộ trình, các khối lớp còn lại sẽ tiếp tục học sách mới trong những năm tiếp theo. Đến 2025, việc thay sách sẽ hoàn thành với toàn bộ bậc phổ thông. Sách giáo khoa từ đây sẽ được dùng ổn định như các giai đoạn trước.

Tuy nhiên, tình trạng lãng phí sách giáo khoa "không phải không có".

Từ 2019 trở về trước, chương trình giáo dục phổ thông chỉ có một bộ sách giáo khoa cho từng lớp. Sách hiện hành bắt đầu sử dụng từ 2002, chỉnh sửa qua từng năm nhưng cơ bản không thay đổi đáng kể. Do đó, học sinh phổ thông giai đoạn 2002-2019 có thể dùng lại sách của khóa trên.

Nhưng cơ chế "một chương trình, một bộ sách giáo khoa" đã thay đổi theo Chương trình giáo dục phổ thông mới và Luật Giáo dục 2019. Lần đầu tiên, Việt Nam triển khai "một chương trình, nhiều bộ sách". Bộ Giáo dục và Đào tạo từng giải thích, đây là cách làm của các nước có nền giáo dục phát triển, đa dạng hóa cách tiếp cận chương trình, thu hút nhiều người tài tham gia viết sách, khuyến khích chủ động, sáng tạo trong dạy học.

Năm 2020, sách giáo khoa của chương trình mới bắt đầu áp dụng cho lớp 1. Trong năm đầu triển khai, thẩm quyền chọn sách thuộc về các trường. Dựa vào danh mục sách thuộc 5 bộ đạt chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, trường học thành lập hội đồng, mỗi môn chọn một đầu sách.

Các sách được chọn không bắt buộc thuộc cùng một bộ. Nghĩa là, sách giáo khoa được dùng ở mỗi trường một khác. Những gia đình chuyển trường cho con giữa chừng hoặc có hai con học khác trường sẽ phải mua mới hoàn toàn, hoặc mua mới một số cuốn, thay vì kế thừa trọn bộ sách cũ như giai đoạn 2019 về trước. "Đây là yếu tố đầu tiên dẫn đến lãng phí sách", một giáo viên với kinh nghiệm 15 năm dạy lớp 1 tại Hà Nam nhận xét.

Sách giáo khoa bị lãng phí như thế nào?

Giá bìa từng cuốn trong bộ sách lớp 3 "Kết nối tri thức với cuộc sống". Ảnh: NXBGDVN

Ngoài ra, hàng chục nghìn cuốn sách chỉ có "tuổi thọ" một năm, do hai trong số năm bộ giáo khoa ngừng phát hành.

Trong năm đầu triển khai chương trình mới, năm bộ sách giáo khoa lớp 1 được phê duyệt gồm: Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), Cánh Diều (hai nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Đại học Sư phạm TP HCM kết hợp).

Sau một năm, khi áp dụng chương trình mới cho lớp 2 (năm học 2021-2022), hai bộ Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục đột ngột bị "xóa sổ". Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết những bộ sách này được hợp nhất với hai bộ còn lại (của cùng NXB), nhằm "giảm chi phí, tập trung tối đa nguồn lực".

Phía Nhà xuất bản khẳng định việc hợp nhất không ảnh hưởng đến hoạt động dạy học, chọn sách; các cuốn sách thuộc hai bộ đã bị hợp nhất vẫn được tái bản. Tuy nhiên, thực tế, khi thẩm quyền chọn sách giáo khoa được giao cho UBND cấp tỉnh (từ năm học 2021-2022), nhiều nơi không dùng sách của hai bộ bị hợp nhất nữa. Giá mỗi bộ sách này dao động 189.000-194.000 đồng.

Ví dụ tại Sơn La, năm 2020, khoảng 30.000 học sinh lớp 1 của tỉnh này học sách Tự nhiên và xã hội của hai bộ Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Đến 2021, tỉnh Sơn La quyết định chọn lại sách giáo khoa lớp 1, trong đó sách Tự nhiên và xã hội được chọn thuộc bộ Cánh Diều, nghĩa là 30.000 sách Tự nhiên và Xã hội lớp 1 của bộ cũ chỉ được dùng một năm. Tính theo giá bìa, 30.000 cuốn này khoảng 600 triệu đồng.

Hiện chưa có thống kê đầy đủ về số lượng những cuốn sách giáo khoa theo chương trình mới không thể tái sử dụng trên cả nước. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng mức thiệt hại mà số sách này gây ra có thể lên tới vài tỷ đồng.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 3 (TP HCM) nhận định: "Đây là sự lãng phí rất lớn, mà lỗi là do nhà xuất bản không thống nhất trong việc biên soạn xuyên suốt các bộ sách".

Trong báo cáo về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương để tăng cường hướng dẫn chọn sách giáo khoa, tập huấn sử dụng sách nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Sách giáo khoa bị lãng phí như thế nào?

Sách giáo khoa Toán lớp 1, bộ Vì sự bình đẳng và phát triển trong giáo dục - một trong hai bộ sách bị hợp nhất sau một năm sử dụng. Ảnh: Thanh Hằng

Không chỉ sách giáo khoa, tình trạng lãng phí còn xảy ra với sách bài tập và sách tham khảo.

Khi dọn bàn học cho con trai lớp 2, đang học tại một trường công lập, chị Nguyễn Thị Mai (quận Hà Đông, Hà Nội) ngán ngẩm khi có đến 6 quyển sách bài tập còn mới nguyên, dù con đã thi xong kỳ II.

Con trai chị Mai là lứa được học chương trình giáo dục phổ thông mới ngay từ lớp 1. Khoảng 3-4 tháng trước khi năm học mới bắt đầu, giáo viên chủ nhiệm gửi phụ huynh danh mục sách cần mua.

Dù sách bài tập và tham khảo không nằm trong danh mục bắt buộc, chị và các phụ huynh vẫn đăng ký đầy đủ. "Nếu không mua tại trường, chúng tôi phải tự tìm mua ở các hiệu sách, tốn thời gian mà chưa chắc đã có", chị Mai giải thích.

Thế nhưng, khi con trai học xong lớp 2, chị thấy hàng loạt vở bài tập "chưa được sờ đến".

Sách giáo khoa bị lãng phí như thế nào?

Những quyển sách mà con trai chị Mai không dùng đến trong năm học vừa qua. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trước tình trạng này, cô Hoa (đã đổi tên), giáo viên lớp 2 một trường công lập tại Hà Đông, giải thích theo phân phối chương trình, các sách bài tập đều được sử dụng, chủ yếu vào buổi học chiều. Tuy nhiên, cô giáo thừa nhận, việc cho học sinh làm hết bài trong các sách này là điều "khó thực hiện", đặc biệt trong bối cảnh học trực tuyến phần lớn thời gian trong hai năm đại dịch vừa qua.

Cũng công tác trong lĩnh vực giáo dục, chị Mai đánh giá cao sự thay đổi của chương trình và sách giáo khoa, sách bài tập mới. Nhưng người mẹ mong muốn sách này được tận dụng tối đa, tránh lãng phí. "Nhiều sách chưa chắc đã tốt. Quan trọng là khai thác và sử dụng thế nào", chị nhấn mạnh.

Chưa biết "xử lý" sao với đống sách "cũ mà mới" này, chị Mai đã nhận được danh mục sách lớp 3 cần mua. Nhìn các đầu sách, người mẹ nghĩ "sẽ lại có những cuốn không dùng tới", nhưng nếu không đăng ký, chị sợ con mình thiếu.

"Vài chục nghìn đồng thật ra không nhiều, nhưng nếu nhân với 30-40 học sinh một lớp, số tiền bị lãng phí cũng hàng triệu. Trên phạm vi cả nước, số tiền sẽ còn lên đến bao nhiêu?", chị Mai bày tỏ.

Hằng Tùng - Bình Minh

Tags: Lãng phí sách giáo khoa sách bài tập chương trình mới Tin nóng