Vật liệu xây dựng nguy cơ khan hiếm bởi loạt dự án giao thông trọng điểm
Bộ Xây dựng dự báo, nhu cầu về đất đắp, cát, đá sẽ tăng đột biến do các dự án giao thông trọng điểm được khởi công đồng loạt thời gian qua. Điều này có thể gây khó khăn cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công và chính quyền địa phương.
Đánh giá về tình hình giá cả vật liệu xây dựng 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Xây dựng cho biết, thị trường có nhiều biến động, một số loại vật liệu cát, đá được dự báo sẽ khan hiếm.
Bộ Xây dựng nhận định, về giá thép, do ảnh hưởng của giá nguyên liệu vật liệu thép toàn cầu biến động tăng giảm thất thường, giá nguyên liệu sản xuất tăng, dẫn đến chi phí sản xuất tăng nên trong 3 tháng đầu năm 2023, giá thép tăng với mức phổ biến khoảng 20.000 đồng/tấn.
Giá thép trung bình trong quý I/2023 khoảng 17.300 đồng, tăng 6,1% so với quý IV/2022 và giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, 3 tháng quý II/2023 giá thép trung bình đảo chiều giảm 4,5% so với quý I/2023 và giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân do trong quý II vừa qua nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giảm mạnh.
Giá xi măng cơ bản giữ ổn định. Giá xi măng tại các tỉnh khu vực phía Nam có xu hướng cao hơn các tỉnh khu vực miền Bắc, miền Trung bởi ít nhà máy sản xuất và do chi phí vận chuyển. Tính chung quý II/2023, giá xi măng tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đối ổn định so với cuối năm 2022.
Nhu cầu về đất đắp, cát, đá sẽ tăng đột biến do các dự án giao thông trọng điểm được khởi công đồng loạt thời gian qua.
Trong khi đó, giá cát trong 6 tháng đầu năm có xu hướng tăng. Số liệu từ Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho thấy, giá cát tăng bình quân 1,5%/tháng do nhu cầu xây dựng tăng.
Đáng chú ý, các tỉnh phía Nam có xu hướng tăng mạnh hơn (bình quân 3,4%/tháng). Chuyên gia cho rằng yếu tố nguồn khai thác và nhu cầu sử dụng tại các tỉnh phía Nam lớn hơn khu vực miền Bắc và miền Trung nên so sánh tương quan giá cát bình quân tại khu vực miền Nam thường cao hơn các tỉnh miền Bắc và miền Trung từ 1,3 - 1,5 lần.
Tính chung quý II/2023, giá cát xây dựng tăng 2,5% so với quý I/2023.
Giá đá xây dựng có xu hướng tăng nhẹ nhưng đều và giữ ổn định qua từng quý. Giá đá quý I/2023 tăng 2,7% so với cuối năm 2022 và giá đá xây dựng quý II/2023 tăng 2,7% so với quý I/2023.
Theo ông Đàm Đức Biên, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng, việc tăng giá này có thể lý giải do nhu cầu sử dụng loại vật liệu cho các công trình giao thông đang thi công ở các khu vực trên cả nước, đặc biệt là các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 khu vực miền Trung và miền Nam.
Bên cạnh đó, việc khan hiếm nguồn cát tự nhiên dùng trong thi công, nhu cầu chuyển đổi sang dùng vật liệu cát công nghiệp sản xuất từ đá cũng tăng mạnh.
Bộ Xây dựng dự báo thị trường vật liệu xây dựng như xi măng, thép xây dựng và nhựa đường… sẽ giữ ổn định hoặc giảm nhẹ trong quý III do khả năng cung cấp và sản xuất luôn đáp ứng được nhu cầu thi công xây dựng và xuất khẩu.
Dự báo giá cát, đá xây dựng vẫn tiếp tục tăng trong 3 tháng tới do từ đầu năm 2023 đến nay các dự án giao thông trọng điểm đã được khởi công đồng loạt trên cả nước. Có thể kể đến như: 10 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa, Vành đai 4 TP Hà Nội; Vành đai 3 TP.HCM; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng….
"Các dự án trên sẽ khiến nhu cầu về đất đắp, đá, cát xây dựng tăng đột biến, gây khó khăn cho cả chủ đầu tư, đơn vị thi công và chính quyền các địa phương. Trong đó, những điểm nóng về vật liệu sẽ tập trung tại 3 điểm là Hà Nội, TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long" - ông Biên cho biết.
Kiểm tra các địa phương có công trình trọng điểm cao tốc Bắc Nam, sân bay...
Bộ Xây dựng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp cùng các Bộ, ngành có liên quan tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát thị trường vật liệu xây dựng.
Bộ cũng đã có kế hoạch kiểm tra, làm việc với các địa phương nơi có công trình trọng điểm như cao tốc Bắc Nam, sân bay... đang triển khai để có những hướng xử lý về vấn đề nguồn vật liệu cho các dự án.
Cùng với đó, sẽ tổng hợp, cập nhật các vướng mắc của địa phương phản ánh trong quá trình thu thập, công bố giá vật liệu xây dựng để hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trong việc công bố giá vật liệu xây dựng, nhân công, giá thi công, chỉ số giá xây dựng đảm bảo đúng tần suất, thời gian và thống nhất trong cả nước.
Vật liệu ‘ăn theo’ bất động sản dư thừa trong khi ngành giao thông lại 'khát'Bất động sản đóng băng, thị trường vật liệu xây dựng giảm mạnh sức tiêu thụ, doanh nghiệp nguy cơ phá sản. Trong khi đó, vật liệu xây dựng kết cấu nền, móng đường giao thông lại “không có để phát triển”.
Giữa bão giá vật liệu, Bộ Xây dựng kiểm tra hợp đồng xây dựng 7 địa phươngBộ Xây dựng kiểm tra quản lý chi phí, hợp đồng xây dựng ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Lâm Đồng trong quý II và III.
Bộ Xây dựng lý giải về công văn đính chính Nghị định 35 vừa ban hànhBộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng ký công văn 333 về việc đính chính Nghị định 35 năm 2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Bình luận
Tags: Bộ Xây dựng vật liệu xây dựng xi măng cát xây dựng đá xây dựng công trình trọng điểm