Vì sao lại có hiện tượng ngứa da mùa đông?
Tình trạng này xảy ra nghiêm trọng nhất là vào cuối mùa thu và mùa đông, khi nhiệt độ thay đổi nhanh chóng. Khi bước vào phòng ấm hoặc cởi quần áo trước khi đi ngủ, cơ thể sẽ bắt đầu ngứa. Vị trí ngứa nhiều nhất thường là vùng lưng, ngực và cả tay chân, dù đã ngâm mình trong nước nóng nhưng không hề suy giảm.
Khi bị ngứa, phản xạ tự nhiên sẽ là gãi, đây là cách đơn giản và hiệu quả nhất để giảm ngứa ngay tức thì. Tuy nhiên gãi không thể làm hết ngứa hoàn toàn. Việc cứ gãi đi gãi lại nhiều lần mỗi khi cảm thấy ngứa sẽ khiến da bị đỏ, khô ráp và sưng tấy, có thể dẫn đến nứt da, hình thành các vảy máu, sắc tố giảm và da bị sạm, thậm chí là nhiễm trùng thứ phát, viêm nang lông,... và có thể để lại sẹo.
Ảnh minh họa.Nguyên nhân gây ngứa da mùa đôngCơ địa dị ứng
Những người có cơ địa dị ứng sẽ rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, nhất là vào mùa lạnh. Bình thường da có một lớp màng bảo vệ, giúp ngăn nước trong da không bị bốc hơi và bảo vệ da khỏi các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.
Tuy nhiên, ở người viêm da cơ địa, lớp màng bảo vệ bị tổn thương, da bị khô, mất nước, các vi khuẩn bên ngoài xâm nhập và làm xuất hiện các nốt mẩn đỏ, mụn nước ngứa ngáy trên da. Nhất là vào mùa đông hanh khô càng gia tăng các triệu chứng ngứa ngáy.
Uống ít nước
Mùa đông, nhiều người có thói quen ngại uống nước. Theo các chuyên gia da liễu, mùa đông thậm chí da còn cần nhiều nước hơn mùa hè dù không có cảm giác khát. Uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày là cần thiết để đáp ứng nước cho da.
Tắm nước quá nóng
Mùa đông nhiều người vẫn có thói quen tắm nhiều lần trong một ngày. Theo các chuyên gia da liễu khuyến cáo, vào mùa đông không nên tắm quá nhiều, đặc biệt là người già và trẻ em, để tránh tình trạng khô da và ngứa. Người già và trẻ sơ sinh chỉ nên tắm 1-2 lần/tuần.
Ảnh minh họa.
Đồng thời, khi tắm không nên dùng các sản phẩm làm sạch da có độ kiềm cao như xà phòng mà nên dùng ít sữa tắm. Riêng đối với những người da khô, tốt nhất không dùng sữa tắm mà chỉ tắm bằng nước sạch.
Ngoài ra, nước tắm cũng không nên quá nóng. Bởi sau khi tắm, hơi nước nóng sẽ bốc hơi làm bay đi độ ẩm, lớp chất nhờn tự nhiên của da cũng bị giảm, khiến da khô hơn, nứt nẻ và ngứa. Sau khi tắm nên dùng kem dưỡng da thảo dược thiên nhiên, tránh dùng dầu khoáng chất.
Dùng máy sưởi hoặc điều hòa nóng quá thường xuyên
Trời lạnh khiến nhiều gia đình có thói quen sử dụng máy sưởi hoặc bật điều hòa nóng để làm ấm không khí. Tuy nhiên đây là thói quen tai hại khiến cho da bị mất nước và trở nên khô hơn. Các gia đình nên hạn chế sử dụng máy sưởi hay điều hòa nóng hoặc không để nhiệt độ trở nên quá nóng.
Chất liệu của trang phục
Điểm chung của những người thường xuyên bị ngứa da mùa đông là thích mặc quần áo bó sát. Việc mặc quần áo quá chật khiến cho da bị cọ xát và gây ngứa. Ngoài ra, cần tránh mặc quần áo bằng chất liệu len, lông... để tránh bị ngứa.
Làm thế nào để hạn chế ngứa da mùa đông?
Để bảo vệ làn da trong mùa đông, cần giữ ẩm cho da. Không nên tắm quá nhiều và tắm nước quá nóng. Mùa lạnh chỉ nên tắm bằng nước đủ ấm. Sau khi tắm, nên bôi kem dưỡng ẩm, an toàn nhất là dùng kem dành cho trẻ em. Việc sử dụng hóa chất, xà phòng tẩy rửa cũng sẽ càng làm ngứa tăng thêm.
Cần chú ý giữ nhiệt độ cho cơ thể, khi ngủ không nên mở rộng cửa sổ để tránh gió lùa. Khi ra ngoài trời lạnh, cần đeo găng tay, đội mũ để tránh lạnh và bảo vệ da khỏi bốc hơi nước.
Ảnh minh họa.
Khi thấy da có biểu hiện bị dị ứng, sẩn ngứa thì không được chủ quan, cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ chỗ vết dị ứng, không chà xát mạnh quanh vết dị ứng để tránh bị nhiễm trùng. Tránh ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, các chất được lên men như dưa, cà muối chua…
Những cách trên sẽ giúp giảm ngứa tạm thời và dành cho những trường hợp không phải bệnh lý. Nếu trong trường hợp tình trạng ngứa không thuyên giảm, và kéo dài hơn 2 tuần, ngứa nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt và làm việc hàng ngày, đột nhiên phát ngứa không tự tìm được nguyên nhân, bị ngứa xuất hiện các triệu chứng đi kèm như vô cùng mệt mỏi, sụt cân, thay đổi thói quen đại tiện, đi tiểu nhiều, sốt, da sưng tấy mẩn đỏ quá mức,... cần đến cơ sở y tế khám.
--> Vì sao hay bị đau đầu khi trời lạnh?
Phương Anh (Theo Healthline)
Tags: ngứa da mùa đông nguyên nhân gây ngứa da cách điều trị ngứa da mùa đông