14/10/2022 12:26

Yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ hơn 860 tài khoản, bài viết, video

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 (từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022), Ban Chỉ đạo an toàn, an ninh mạng quốc gia đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp khắc phục các nguy cơ về an toàn, an ninh mạng. Đồng thời thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật An ninh mạng; ban hành Nghị định số 53/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng; phê duyệt Đề án "Đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách tăng cường bảo vệ an ninh mạng trong tình hình hiện nay.

Yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ hơn 860 tài khoản, bài viết, video

Báo cáo của Chính phủ cho biết đã yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ hơn 860 tài khoản, bài viết, video có nội dung vi phạm pháp luật, ngăn chặn truy cập hơn 7.200 trang mạng đặt máy chủ ở nước ngoài đăng tải nội dung thông tin xấu, độc (Ảnh minh họa).

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội trên không gian mạng (lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, tội phạm trên lĩnh vực thương mại điện tử, đánh bạc trên mạng Internet...) để người dân cảnh giác, không để các đối tượng lợi dụng thực hiện các hành vi phạm tội.

"Yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ hơn 860 tài khoản, bài viết, video có nội dung vi phạm pháp luật, ngăn chặn truy cập hơn 7.200 trang mạng đặt máy chủ ở nước ngoài đăng tải nội dung thông tin xấu, độc. Tập trung đấu tranh, làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tạo tính răn đe, cảnh báo đối với các đối tượng có biểu hiện, điều kiện hoạt động phạm tội"- báo cáo của Chính phủ thông tin.

Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tăng mạnh (tăng 143,98% về số vụ) và tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi hơn.

Nổi lên là, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, cá độ bóng đá qua mạng Internet với số tiền lớn có sự tham gia của nhiều đối tượng liên kết chặt chẽ tại nhiều địa phương; biến tướng dưới nhiều hình thức mới. Cụ thể, Công an Thái Bình phát hiện, đấu tranh triệt phá 2 đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá trên mạng Internet với số tiền đánh bạc lớn từ 6.600 đến 8.400 tỷ đồng.

Tại Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế, 15 đối tượng đánh bạc qua mạng Internet với số tiền giao dịch 250 tỷ đồng. Tại Nghệ An, 7 đối tượng đánh bạc qua mạng Internet với số tiền hơn 100 tỷ đồng. Công an TP. Hà Nội triệt phá đường dây tổ chức cá độ bóng đá, đánh bạc trên Internet với số tiền giao dịch lên đến 1.500 tỷ đồng.

Tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet với thủ đoạn sử dụng phần mềm chiếm đoạt tài khoản của người dùng trên các trang mạng, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng; tình trạng tán phát tin nhắn rác để quảng cáo hoạt động cờ bạc, mại dâm..., mua bán văn bằng, chứng chỉ giả; giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt.

"Đáng chú ý, xuất hiện một số nhóm tội phạm nước ngoài tấn công, xâm nhập hệ thống ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam để thu thập, đánh cắp thông tin, chiếm đoạt số tiền lớn trong tài khoản của khách hàng"- báo cáo cho hay.

39 đối tượng bị tạm giam, tạm giữ chết do tự sát

Theo báo cáo của Chính phủ, các cơ sở giam, giữ đã quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành; nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các kết luận, kiến nghị của các đoàn kiểm sát, giám sát, kiểm tra trong công tác tạm giữ, tạm giam.

Các cơ sở giam giữ được đảm bảo an ninh, an toàn, không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ, các vụ việc gây rối, chống phá tập thể…. qua đó, góp phần phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

Tuy nhiên, công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam còn một số tồn tại, hạn chế: Công tác quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam nhất là người bị kết án tử hình gặp nhiều khó khăn và áp lực rất lớn, chưa được giải quyết.

Vẫn còn tình trạng các đối tượng bị tạm giam, tạm giữ trốn, vi phạm pháp luật trong thời gian giam giữ, chết không do bệnh lý: Xảy ra 4 vụ/4 đối tượng bỏ trốn (đã bắt lại 4 đối tượng), 39 vụ/39 đối tượng chết do tự sát, 6 vụ/6 đối tượng chết do đánh nhau, 229 đối tượng chết do bệnh lý.

Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trên do đối tượng bị bắt đưa vào cơ sở giam, giữ thường có tâm lý hoang mang, lo lắng, sợ bị trừng phạt của pháp luật, quanh co chối tội, luôn tìm cách chống đối, trốn. Một số đối tượng bi quan, mặc cảm, ân hận với tội lỗi do bản thân gây ra nên tìm mọi cách để tự sát; nhiều đối tượng khi bị mắc các bệnh xã hội, HIV/AIDS, nghiện ma túy nặng, sức khỏe yếu.

Trong khi đó, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam còn hạn chế. Biên chế cán bộ tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ còn thiếu; chế độ, chính sách đối với một số vị trí công tác chưa tương xứng trong khi môi trường làm việc rất độc hại, căng thẳng áp lực. Chưa bố trí được cán bộ quản giáo nữ, cán bộ y tế ở nhiều nhà tạm giữ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.