Bé gái sốc phản vệ vì liều thuốc ho, sổ mũi người nhà 'tự điều trị'
Bé gái sốc phản vệ vì liều thuốc ho, sổ mũi người nhà 'tự điều trị'
17/08/2024 | 16:15
TPO - Ngày 17/8, BS Thạch Bình Minh, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết, tại đây vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi có biểu hiện sốc phản vệ sau khi sử dụng thuốc do gia đình tự ý mua. Sau khi được bác sĩ điều trị theo phác đồ, sức khỏe bệnh nhi đã bình phục tốt.
Đó là trường hợp bé gái N.N.T.U. (7 tuổi, ngụ tại Long An). Theo bệnh sử, bệnh nhi từng bị dị ứng với thịt gà, tôm, mực. Cách thời điểm nhập viện 30 phút, cháu bị ho, sốt, sổ mũi nên gia đình đã đến hiệu thuốc tây gần nhà mua thuốc về cho uống. Sau khi uống thuốc khoảng 15 phút, bệnh nhi có biểu hiện mệt mỏi, ngứa và nổi ban toàn thân.
Trước diễn biến ngày càng nặng bệnh nhi phải đối mặt, gia đình vội đưa tới bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết, thời điểm nhập viện, bệnh nhi có biểu hiện mệt, lừ đừ, bứt rứt, môi nhạt, tay chân tím tái, mạch nhanh… Sau hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị sốc phản vệ độ III nghi do dị ứng với thuốc tân dược. Ngay lập tức trẻ được cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ của Bộ Y tế.
Bệnh nhi đã được theo dõi, điều trị tích cực giúp qua giai đoạn nguy hiểm do sốc phản vệ |
Khoảng 15 phút sau khi được điều trị, các chỉ số sinh hiệu của bệnh nhi dần ổn định. Sau 5 ngày, được bác sĩ theo dõi và điều trị liên tục, sức khỏe của bệnh nhi đã bình phục hoàn toàn. Đây là trường hợp sốc phản vệ phản ứng cấp tính và nghiêm trọng đã được can thiệp kịp thời, giúp trẻ thoát khỏi các biến chứng nguy hiểm.
Theo phân tích chuyên môn của BS Bình Minh, sốc phản vệ xảy ra sau khi bệnh nhân tiếp xúc với các chất dị ứng như thuốc, nhựa mủ, nọc độc, ong chích, kiến đốt, hoặc một số thực phẩm không phù hợp với cơ thể như cá ngừ, tôm, tép, ốc, trứng, sữa, khoai tây, đậu phộng, và đậu nành.
Khi bị sốc phản vệ, bệnh nhân thường có cảm giác chóng mặt, xây xẩm, đứng không vững do hạ huyết áp, tay chân lạnh, vã mồ hôi, mạch nhanh nhẹ khó bắt, phát ban trên da, buồn nôn và nôn. Tình trạng này có thể xảy ra rất sớm hay đôi khi muộn hơn sau một vài giờ, nhưng khi đã xảy ra sốc phản vệ, diễn tiến sẽ rất nhanh trong vòng 1 đến 2 phút và chuyển sang trạng thái nguy kịch. Sốc phản vệ có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như tổn thương não, suy thận, suy hô hấp, thậm chí đe dọa tính mạng.
Qua trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo các bậc phụ huynh cần cẩn trọng trong việc dùng thuốc cho trẻ, tự ý cho trẻ uống thuốc mà không có sự giám sát của bác sĩ có thể dẫn đến nguy cơ gặp tác dụng phụ hoặc phản ứng dị ứng gây nguy hiểm. Việc tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng thuốc sẽ giúp trẻ được điều trị đúng cách và an toàn nhất.
BS Bình Minh khuyến cáo, nếu gia đình thấy trẻ sau khi dùng thuốc xuất hiện những biểu hiện bất thường như: sốt, mệt, nổi ban, nôn, đau bụng, ỉa chảy, loét miệng, đỏ mắt, loét hậu môn, sinh dục… cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Khi biết trẻ có dị ứng thuốc, phụ huynh cần phải khai báo với bác sĩ hoặc trình thẻ dị ứng để điều trị kịp thời, tránh phản ứng thuốc nặng xảy ra.
Thiết bị y tế công nghệ cao chờ cấp phép đã lỗi thời
Tags: Sốc phản vệ