Chiến lược 'xoay trục' của Apple gặp thách thức tại Ấn Độ
Mọi thứ ở Ấn Độ đều là trở ngại. Apple phải học cách thích nghi với điều đó. Vivek Wadhwa, chuyên gia nghiên cứu - doanh nhân tại Thung lũng Silicon
Tuy nhiên, Apple sớm nhận ra kế hoạch này không hề dễ dàng để thực hiện vì lý do kỹ thuật cũng như sự khác biệt về văn hoá doanh nghiệp. Nguồn tin của Financial Times (FT) cho biết, “Nhà Táo” đã gửi chuyên gia thiết kế và kỹ sư từ California và Trung Quốc sang các nhà máy ở miền nam Ấn Độ để đào tạo người dân địa phương và giúp thiết lập chuỗi sản xuất.
Gã khổng lồ iPhone quyết định áp dụng mô hình tại Ấn Độ tương tự như cách họ đã làm cách đây 20 năm tại Trung Quốc, khi đưa chuyên gia từ nước ngoài sang để giám sát quá trình sản xuất kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng tại các nhà xưởng.
CEO TimCook trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Modi vào năm 2016
Từ năm 2017, Apple đã cho lắp ráp các dòng điện thoại iPhone cấp thấp tại Ấn Độ. Nhưng phải đến tháng 9 năm ngoái, quốc gia Nam Á này mới lần đầu tiên giữ trọng trách sản xuất các mẫu flagship cho “Nhà Táo”, dù chậm hơn vài tuần so với các nhà máy tại Trung Quốc, nơi xuất xưởng hầu hết iPhone và các thiết bị phần cứng khác của công ty này.
50% thành phẩm không đạt yêu cầu
Tuy nhiên, chất lượng linh kiện sản xuất tại quốc gia láng giềng với Trung Quốc đang là vấn đề báo động với gã khổng lồ iPhone. Nguồn tin của FT tiết lộ, tại 1 nhà máy sản xuất vỏ ở Hosur, điều hành bởi tập đoàn Tata, một trong những nhà cung ứng của Apple, cứ 2 linh kiện ra khỏi dây chuyền sản xuất thì chỉ có 1 linh kiện đạt đủ tiêu chuẩn để gửi đến Foxconn, đối tác lắp ráp của Apple.
Các nhà cung ứng linh kiện tại Ấn Độ vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn do Apple đặt ra
“Nhà Táo” nổi tiếng với sự khắt khe về chất lượng sản phẩm, mục tiêu của họ là 100% không lỗi. Bởi vậy, tỷ lệ 50% này là rất tệ. Những người trong cuộc cho biết, nhà máy nêu trên đã có kế hoạch cải thiện chất lượng trong thời gian tới, nhưng thừa nhận không thể cải thiện trong một sớm một chiều.
Jue Wang, chuyên gia tư vấn tại Bain, nói rằng Apple mới ở giai đoạn đầu mở rộng sang Ấn Độ và mọi người cần hiểu sẽ có sự khác biệt về hiệu quả. “Chúng tôi không nói về quy mô tương tự như nhà máy ở Trịnh Châu”, một xưởng trung tâm ở Trung Quốc, được gọi là “thành phố iPhone” với hơn 300.000 công nhân.
Khác biệt về văn hoá sản xuất
Tại Trung Quốc, các nhà cung cấp và quan chức thường áp dụng cách tiếp cận “bất cứ giá nào” để giành được đơn đặt hàng iPhone. Các cựu nhân viên Apple chia sẻ, có những trường hợp mà họ ước tính phải mất vài tuần để thực hiện, nhưng ngay vào buổi sáng hôm sau, công việc đã được hoàn thành với tốc độ không thể giải thích được.
Trong khi đó, hoạt động ở Ấn Độ không chạy với tốc độ như vậy, một cựu kỹ sư của Apple nói rằng “mọi thứ ở đây không có cảm giác cấp bách”.
Sự chậm chạp đã là vấn đề của Ấn Độ trong nhiều năm. Các nhà sản xuất theo hợp đồng tại đây thường khẳng định có thể đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng, nhưng trên thực tế, họ thường chậm phản hồi các mối quan tâm của khách hàng sau khi ký hợp đồng và thiếu linh hoạt trong đáp ứng những yêu cầu thay đổi đưa ra.Mark Zetter, Chủ tịch công ty tư vấn công nghiệp điện tử Venture Outsource
Ngoài ra, FT cho biết, quá trình mở rộng sản xuất tại Ấn Độ diễn ra chậm một phần là do hậu cần, thuế quan và cơ sở hạ tầng. Các chuyên gia của Apple đôi khi được bố trí ở tại khách sạn ở trung tâm Chennai, thủ phủ bang Tamil Nau, miền nam Ấn Độ, nơi cách các nhà máy họ làm việc khoảng 2 giờ lái xe. Như vậy, họ sẽ mất 4 tiếng di chuyển trên đường với kết nối WiFi không ổn định.
Nguồn tin cho hay quá trình đa dạng hoá của Apple sang Đông Nam Á diễn ra suôn sẻ hơn nhờ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, hiệp định thương mại tự do giữa 10 quốc gia trong khu vực.
“Foxconn thứ hai”
Tata, tập đoàn đa ngành nghề khổng lồ của Ấn Độ có kế hoạch tham vọng trở thành nhà cung ứng dịch vụ cho Apple, tương tự như Foxconn của Đài Loan. Kế hoạch này đã nhận được sự chấp thuận và hậu thuẫn từ New Delhi.
Tập đoàn Tata Ấn Độ dự định thâu tóm Wistron với tham vọng trở thành "Foxconn thứ hai" của "Nhà Táo"
Tập đoàn này đang đàm phán mua lại 1 nhà máy lắp ráp iPhone bên ngoài Bangalore ở bang Karnataka từ Wistron, công ty Đài Loan đang tìm cách thoái vốn sau khi trải qua tình trạng bất ổn lao động và các cuộc biểu tình vào năm 2020. Có thông tin cho biết, Apple đang tạo điều kiện trong các cuộc thảo luận để Tata nắm quyền sở hữu đa số thay vì cấu trúc liên doanh 50:50.
Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ đã cho phép các nhà cung cấp linh kiện Trung Quốc của Apple bắt đầu hoạt động, liên doanh với các đối tác trong nước. Động thái này là chỉ báo quan trọng khi hai nước láng giềng đang có tranh chấp biên giới căng thẳng. Chính phủ Ấn Độ đã cấm hàng chục ứng dụng của Trung quốc và tiến hành “tấn công” pháp lý đối với các nhà sản xuất điện thoại của Đại lục kể từ khi đụng độ tại biên giới phía Bắc nổ ra khiến ít nhất 24 người thiệt mạng vào năm 2020.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman cho hay, Ấn Độ dự định giảm thuế hải quan với việc nhập khẩu một số bộ phận và đầu vào sử dụng trong điện thoại di động, chẳng hạn như các ống kính camera để “bảo vệ giá trị gia tăng nội địa”.
Vẫn là một thị trường tiềm năng
Bất chấp những vấn đề nêu trên, giới phân tích nhận định tiềm năng của Ấn Độ đối với Apple là rất lớn. Bain, công ty tư vấn toàn cầu, ước tính xuất khẩu sản xuất của quốc gia Nam Á này có thể tăng gấp đôi từ 418 tỷ USD vào năm 2022 lên hơn 1 ngàn tỷ USD vào năm 2028, nhờ hỗ trợ chính sách và chi phí rẻ. Ước tính riêng xuất khẩu hàng điện tử có thể đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm lên tới 40%.
Vivek Wadhwa, doanh nhân và chuyên gia nghiên cứu, người từng gặp gỡ các quan chức và cả Thủ tướng Narendra Modi vào tháng trước tiết lộ, nước này đang khuyến khích doanh nghiệp tận dụng nhu cầu đa dạng hoá của Apple khỏi Trung Quốc.
Chuyên gia này cũng thừa nhận, tình trạng chính phủ quan liêu, rời rạc ở Ấn Độ là điều mà Apple cần phải thích nghi. “Mọi thứ ở Ấn Độ đều là trở ngại”, ông nói.
Trong khi đó, “Nhà Táo” kỳ vọng xây dựng các hoạt động non trẻ tại Ấn Độ đủ khả năng đáp ứng tất cả các dòng sản phẩm kinh doanh của Apple trong tương lai. Từ khoá “Ấn Độ” được nhắc đến 15 lần trong báo cáo doanh thu đầu tháng này của Apple. CEO Tim Cook bày tỏ lạc quan về thị trường này, coi đây là nơi “thú vị” và là “trọng tâm”, cũng như xác nhận sẽ sớm mở các cửa hàng Apple đầu tiên tại quốc gia này.
Tags: Apple chiến lược Apple sản xuất iPhone tại Ấn Độ Trung Quốc Ấn Độ