Con trai tổ nghề thổi thủy tinh kể thời hoàng kim của chiếc cốc bia huyền thoại
Kể về người bố quá cố, người giúp cả làng Xối Trì có nghề thổi thủy tinh truyền thống, ông Phạm Văn Hiển xúc động khi những ký ức xưa ùa về.
Kỳ 1: Cốc uống bia huyền thoại ở Hà Nội, khách Tây mê mẩn mua về nướcKỳ 2: Những người thợ nhọc nhằn mỗi ngày thổi 3.000 cốc bia hơi ở Nam ĐịnhMang nghề về, giúp cả làng mưu sinh
Nhiều năm về trước, làng Xối Trì (Nam Thanh, Nam Trực, Nam Định) được biết đến là làng nghề thổi thủy tinh nhờ công của một người tên Phạm Văn Đạo (đã mất). Cụ Đạo là người tiên phong mở xưởng, làm nghề thổi thủy tinh ở làng Xối Trì.
Ông Phạm Văn Hiển - con trai cụ Đạo nhớ về những ngày hoàng kim của chiếc cốc bia huyền thoại
Con trai cụ Đạo, ông Phạm Văn Hiển (77 tuổi) chia sẻ: “Bố tôi rất tâm huyết với nghề. Gia đình tôi mở 3 xưởng, mấy anh em chúng tôi đều theo nghiệp cha. Những năm đó, kinh tế gia đình tôi phất lên nhờ công việc này. Khi nhà tôi làm nghề, các hộ gia đình khác cũng học rồi làm theo. Vài năm trôi qua, làng có đến 30 - 40 lò thổi”.
Con cái học nghề của bố rồi truyền lại cho cháu, cho thợ. Những người trong làng được chỉ dạy nghề rồi trở thành thợ.
Ông Hiển kể, những đứa trẻ khi đó chỉ mới hơn 10 tuổi đã có thể nhận công việc nhặt mảnh thuỷ tinh để kiếm thêm thu nhập. Nhìn thấy bố và những người thợ làm, ông Hiển khi mới chỉ 13 tuổi đã học mót rồi tiếp thu rất nhanh và sau này trở thành người thợ có tay nghề tốt.
Những năm 1980-1985 là thời kỳ hoàng kim của làng nghề Xối Trì. Tất cả những sản phẩm nắp phích, chai, lọ, cốc, đèn dầu, bóng đèn, bình be… đều được các gia đình làm nghề trong làng thổi.
Các sản phẩm thủy tinh có tuổi đời 30 - 40 năm còn sót lại
Thừa hưởng tay nghề của bố, ông Hiển trở thành người thợ có tiếng một thời ở Xối Trì. Những năm tháng ấy, đơn hàng số lượng lớn đến liên tục. Ba xưởng của gia đình ông hoạt động hết công suất.
Thế nhưng khi xã hội phát triển, các sản phẩm công nghiệp ra đời, sản phẩm thổi thủy tinh thủ công thô ráp bắt đầu khó cạnh tranh với thị trường. Làng nghề cũng vì vậy mà mai một dần. Năm 2005, ông Hiển cũng vì lý do sức khỏe nên quyết định nghỉ, để lại nghề cho các con.
Anh Phạm Ngọc Hân (52 tuổi) - con trai ông Hiển kể: “Năm bố nghỉ, chúng tôi tiếp quản nghề, quản lý xưởng. Thế nhưng vì thị trường công nghiệp lớn mạnh, sản phẩm thủ công khó cạnh tranh nên được một vài năm, chúng tôi cũng nghỉ. Tôi chuyển sang thu mua sản phẩm ở các xưởng để phân phối cho các đại lý”.
Chiếc đèn thủy tinh làm thủ công vẫn được gia đình anh Hân (cháu nội của tổ nghề Phạm Văn Đạo) lưu giữ
Sức khỏe yếu, các con cũng không theo nghề, ông Hiển nhớ về thời hoàng kim với giọng buồn rầu: “Nghề của cha ông mà không gìn giữ được nên tôi rất tiếc. Nhưng mình không thể bắt các con theo nghề mãi. Mình cũng phải sống theo xã hội, nhất là khi công việc này quá vất vả mà không mang lại thu nhập cao. Nghĩ lại ngày cả làng làm nghề, 30 - 40 hộ dân đỏ lửa ngày đêm, tôi rất nhớ. Cả tuổi thơ của tôi gắn với căn bếp đỏ lửa. Chỉ là, xã hội phát triển, mình cũng phải phát triển theo và chấp nhận”.
Hiện trong nhà ông Hiển vẫn còn rất nhiều đồ thủy tinh được chính tay các cụ thổi ngày trước như đèn dầu, bình be, bóng đèn… Anh Hân vừa chỉ vào những món đồ cổ vừa nhớ lại một thời huy hoàng của làng nghề.
Những vị khách đặc biệt
Nếu trở về những năm 1980-1985, làng Xối Trì sẽ là nơi tấp nập xe thồ đến chở hàng thủy tinh. Ngày ấy, chưa có ô tô nhiều nên những nhà buôn hay tiểu thương nhỏ thường đạp xe thồ đến, chở đầy hai bên nào là bóng đèn, cốc, chai, lọ thủy tinh mang đi phân phối ở các nơi. Đó là kí ức mà người làm thợ nhiều năm như ông Phạm Văn Dương (56 tuổi), chủ một cơ sở sản xuất cốc thủy tinh, có được.
Ông Dương nhớ lại thời kỳ hoàng kim của làng nghề
Khi đó, ông Dương vẫn còn là một đứa trẻ nhưng đã sớm lành nghề. Ông đi làm thợ khắp nơi kiếm tiền công. Khi gia đình có xưởng thổi thủy tinh, ông lại học để tiếp quản nghề của bố. Đến năm 2000, bố ông nghỉ, chuyển lại xưởng cho con trai. Năm 2008, ông Dương mở cơ sở sát mặt đường lớn của thôn.
Vị trí thuận lợi nên ông đón đầu được những đoàn khách lớn. Mùa hè, những đơn đặt hàng số lượng lớn đến liên tục bởi đó là mùa người ta uống bia nhiều. Theo lời ông, có những vị khách “ăn dầm nằm dề” để chờ lấy hàng.
Vị khách hàng khiến ông Dương nhớ mãi là người phụ nữ từ Hà Nội về. Người này đặt mẫu cốc thủy tinh theo yêu cầu và nhờ ông làm giúp. Tuy số lượng không lớn nhưng ông Dương vẫn nhận. “Tôi luôn nhận những đơn hàng đến trước dù là số lượng nhỏ. Các đơn hàng lớn nhưng đến sau, tôi cũng từ chối”, ông Dương nói về nguyên tắc làm việc của mình.
Xưởng sản xuất cốc thủy tinh thủ công của gia đình ông Dương ở ngay mặt đường lớn, thuận tiện cho việc sản xuất và kinh doanh
“Tuy nhiên, khi vị khách nữ đưa khuôn, tôi thử làm nhiều lần nhưng sản phẩm không đẹp. Nhận thấy vấn đề do khuôn, tôi tự bỏ tiền túi, đúc một chiếc khuôn đẹp hơn để làm ra sản phẩm ưng ý. Lúc nhận đơn hàng, vị khách bất ngờ và rất vui mừng”, ông Dương nói thêm.
Tám năm trước, một vị khách lạ gọi cho anh Dũng - một người dân làng Xối Trì: “Anh ơi, có phải nhà anh thổi cốc bia hơi này không? Anh lấy giúp em 200 cái rồi gửi về Quảng Ngãi giúp em”.
Anh Dũng chụp ảnh gửi cho khách rồi khách gửi tiền. Anh cũng chuyển hàng qua xe khách cho khách. Hữu duyên nên từ đó, có rất nhiều người chưa một lần gặp mặt nhưng lại trở thành khách hàng thân thiết của làng Xối Trì.
Những chiếc cốc khác lạ từ kiểu dáng và logo dưới đáy được làm riêng theo yêu cầu của khách
Nhiều khách nước ngoài vì mến mộ chiếc cốc thủy tinh nổi tiếng trong các quán bia hơi ở Hà Nội mà tìm về tận xưởng nhà ông Dương xem rồi mua và đặt hàng. Ông Dương từng nhận đơn hàng gần 500 chiếc cốc của vị khách người Pháp. Hầu hết những chiếc cốc được đặt hàng phải làm theo ý tưởng của khách. Tuy nhiên, có những vị khách đưa mẫu không đẹp, ông Dương sẽ tư vấn thêm.
“Vị khách người Pháp rất hài lòng khi tôi tư vấn mẫu và hoa văn. Lúc nhận hàng, khách vui quá. Sau đó một vài tháng, vị khách ấy lại đặt thêm xưởng của tôi gần 1.000 chiếc nữa”, ông nói.
Khách nước ngoài dùng vốn tiếng Việt ít ỏi để nói chuyện và đặt hàng với ông Dương, nhiều lúc phải suy luận ông mới hiểu được ý của khách
Được người nước ngoài biết đến và quý trọng sản phẩm làng nghề mình làm ra, ông Dương thực sự xúc động, tự hào. Thế nên, thi thoảng có khách du lịch ghé chơi, thăm xưởng, ông không ngại tặng họ một vài chiếc cốc làm kỉ niệm. “Cốc mình làm ra, được mang đi khắp nơi, được trưng bày, quảng bá, được sử dụng, có người thợ nào lại không vui chứ?”, ông Dương thổ lộ.
Kỳ tới: Cốc bia huyền thoại: Họa sĩ thiết kế 1 giờ và người đàn ông Đức mua đầy 5 containerLTS: Từ lâu, bia hơi vỉa hè đã trở thành nét văn hóa không chỉ của người Hà Nội mà ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Điều người ta thấy thân thương không chỉ ở bia hơi mà còn ở chiếc cốc thủy tinh sần sùi màu xanh đựng bia đi cùng năm tháng. Theo thời gian, nhiều loại cốc vại ra đời nhưng vẫn không thể nào thay thế được chiếc cốc thủy tinh thủ công ấy.Tuyến bài Phía sau chiếc cốc bia hơi huyền thoại giới thiệu tới độc giả một sản phẩm thủ công truyền thống cũng như chuyện đời, chuyện nghề của những người làm nên chiếc cốc uống bia được yêu thích qua 2 thế kỷ này.
Những người thợ nhọc nhằn mỗi ngày thổi 3.000 cốc bia hơi ở Nam Định
Chiếc cốc thủy tinh màu xanh, kiểu dáng đơn giản, không biết từ bao giờ đã trở thành vật dụng gắn liền với bia hơi Hà Nội. Ít ai biết rằng, đằng sau mỗi chiếc cốc thủ công ấy chứa đựng rất nhiều câu chuyện thú vị.
Cốc uống bia huyền thoại ở Hà Nội, khách Tây mê mẩn mua về nước
Cách đây vài năm, một đoàn 4 người Mỹ vào uống bia ở quán. Thấy cốc lạ, họ ngỏ ý mua lại chục chiếc về làm kỷ niệm.
Bình luận
Tags: thổi thủy tinh tổ nghề thời hoàng kim cốc bia làng nghề nghề thổi thủy tinh