Điểm nghẽn trong tự chủ đại học
Sau 5 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (ĐH), một số cơ sở giáo dục ĐH bước đầu đã đạt được những thành tựu nhất định trong thực hiện quyền tự chủ. Song thực tế cũng nảy sinh những khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.
Khơi thông nguồn lực tài chính
Khảo sát của Bộ Giáo dục và Ðào tạo năm học 2022-2023 đối với 232 cơ sở giáo dục ĐH cho thấy: Có 32,76% số trường ĐH đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 13,79% số trường tự bảo đảm chi thường xuyên; 7,33% số trường có kế hoạch sẽ tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 9,05% số trường có kế hoạch sẽ tự bảo đảm chi thường xuyên; 33,62% số trường hiện đang tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và chưa có kế hoạch khác; 3,45% số trường đang được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và chưa có kế hoạch khác.
Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực cho giáo dục ĐH còn hạn hẹp, cạnh tranh quốc tế trong giáo dục ĐH ngày càng lớn ảnh hưởng rõ nét tới tiến trình tự chủ ĐH của các trường. PGS.TS Ngô Như Khoa - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp, ĐH Thái Nguyên nêu thực tế, hơn 10 năm qua nhà trường chưa nhận được sự đầu tư đáng kể nào. Trong khi đó, theo định hướng tự chủ, phí đầu tư của Nhà nước sẽ giảm dần, nhưng việc tuyển sinh của nhà trường còn hạn chế nên rất khó để tạo ra thế và lực để phát triển.
Hiện nay các trường ĐH vẫn dựa vào học phí là chủ yếu nên khi trường tuyển sinh hạn chế sẽ ảnh hưởng đến việc đảm bảo các hoạt động trong quá trình tự chủ ĐH.
GS.TS Lê Viết Báu - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Hồng Đức cũng nêu khó khăn của nhà trường hiện nay khi đầu tư cho giáo dục ĐH không thể chỉ từ nguồn thu học phí. Đặc biệt, trong khi không được tăng học phí nhưng từ ngày 1/7 tăng lương, mà nguồn thu lại không được tăng. Làm sao vừa đảm bảo nâng cao chất lượng vừa đảm bảo chi trả cho giảng viên là bài toán khó với nhà trường.
Một điểm nghẽn khác mà Trường ĐH Hồng Đức đang gặp phải khi thực hiện tự chủ tài chính, đó là có những nguồn kinh phí tự chủ nhà trường không liên quan đến Nhà nước nhưng không tự quyết định được. Lý do là theo các quy định hiện hành phải xin phép Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính. Việc này kéo dài cả năm trời, mất đi cơ hội cho sự phát triển của nhà trường.
“Nên chăng có những chính sách, để giao cho Hội đồng trường. Nhà nước, bộ, tỉnh thực hiện việc thanh kiểm tra, giám sát để xem Hội đồng trường có thực hiện việc đó hay không” - ông Báu nêu quan điểm.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cũng nêu thực tế, trong giai đoạn đầu thực hiện tự chủ, các quy định liên quan tới tự chủ tài chính còn thiếu và được ban hành chậm hơn so với thực tiễn. Nhiều quy định còn chồng chéo, cùng một lúc chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều luật và văn bản quy phạm pháp luật khác nhau gây khó cho nhà trường.
Cần đồng bộ các quy định
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, thời điểm này, các cơ quan Trung ương đã tương đối thống nhất quan điểm, tự chủ không phải là tự túc, không phải phó thác cho các trường tự lo kinh phí. Tự chủ vẫn cần đầu tư, nhưng đầu tư như thế nào, lúc nào, cách gì, còn đang là câu chuyện cần tiếp tục kiến nghị chính sách trong thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, trong thời gian tới cần có sự tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện tự chủ ĐH sau 5 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Bà Thơ đề xuất, đối với các trường ĐH công lập địa phương, cần phân định rõ các chức năng cơ bản, nhiệm vụ cụ thể và sứ mệnh cốt lõi theo chiến lược phát triển địa phương; đào tạo theo địa chỉ của các bên có nhu cầu; không đặt nặng vấn đề tự chủ tài chính đối với các trường ĐH này; các trường ĐH địa phương cần đánh giá lại thực trạng và hiệu quả đào tạo trong thời gian qua.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Trong đó, có nhiều điểm mới nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện; đồng bộ giữa quy định của Đảng, quy định của pháp luật; đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền, tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, nâng cao chất lượng giáo dục ĐH.
Để thực hiện tự chủ thực chất, theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn nhiều việc phải làm. Trong đó, ở cấp hệ thống cần đổi mới nhận thức, tư duy quản lý giáo dục ĐH theo hướng nhà nước pháp quyền bằng các quy định pháp luật, các tiêu chuẩn tối thiểu để mở ngành, mở trường, cấp bằng, đào tạo chất lượng cao… Hệ thống chính sách, pháp luật cần đồng bộ, không có hoặc giảm vai trò bộ chủ quản.
Chủ đề: đại học điểm nghẽn tự chủ trong
Tags: Điểm nghẽn trong tự chủ đại học