27/10/2022 07:54

Đóng BHXH bao nhiêu năm, chi tiết mức đóng để được hưởng lương tối đa?

Đóng BHXH bao nhiêu năm để được hưởng lương tối đa

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), lao động nam nghỉ hưu từ ngày 1.1.2022 trở đi, có mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH trong 20 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam, mức tối đa bằng 75%.

Cụ thể, lao động nam nghỉ hưu vào năm 2021 thì mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH trong thời gian 19 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam, mức tối đa bằng 75%. Lao động nam cần 35 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu tối đa.

Đóng BHXH bao nhiêu năm, chi tiết mức đóng để được hưởng lương tối đa?

Quy định về lương hưu đối với lao động nữ đã thay đổi trước đó. Cụ thể, lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1.1.2021 trở đi, thì mức lương hưu được tính tương ứng với số năm đóng BHXH.

Lương hưu hằng tháng của lao động nữ được tính bằng 45% mức bình quân lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa bằng 75%. Lao động nữ cần 30 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu tối đa.

Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp theo quy định, không bao gồm các chế độ phúc lợi (tiền thưởng sáng kiến, ăn giữa ca, hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại…).

Như vậy, lao động nam đóng đủ 35 năm BHXH, đủ điều kiện về hưu năm 2022 sẽ nhận được lương hưu với tỷ lệ 75% tiền lương tháng đóng BHXH, đây là tỷ lệ tối đa. Còn lao động nữ, đóng đủ 30 năm BHXH, đủ điều kiện về hưu từ năm 2022 sẽ nhận được lương hưu tối đa.

Đóng BHXH bao nhiêu năm, chi tiết mức đóng để được hưởng lương tối đa?

Chi tiết mức đóng bảo hiểm để được hưởng lương cao

Cơ quan Bảo hiểm xã hội cho hay, về phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định tại Điều 9, Chương III, Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2015 như sau: “1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

a) Đóng hằng tháng;

b) Đóng 03 tháng một lần;

c) Đóng 06 tháng một lần;

d) Đóng 12 tháng một lần;

đ) Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

e) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm, nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều này cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này".

Về mức đóng được quy định tại Điều 10, Chương III, Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2015, bạn có thể lựa chọn mức đóng thấp nhất từ: 1.500.000 đồng x 22% = 330.000 đồng/tháng đến mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng là 29.800.000 đồng x 22% = 6.556.000 đồng/tháng.

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể 30% đối tượng nghèo, 25% đối tượng cận nghèo, 10% đối tượng khác.

Về thủ tục đóng, bạn có thể liên hệ đến các đại lý thu BHXH, BHYT tại các xã phường, hoặc cơ quan BHXH các huyện, thị xã, hoặc bộ phận tiếp nhận hồ sơ tại BHXH tỉnh để được hướng dẫn chi tiết và cụ thể.

 

Tags: Đóng BHXH bao nhiêu năm