Lý do nhiều người trẻ mắc suy giãn tĩnh mạch chân
Thống kê cho thấy, phần lớn bệnh nhân đến khám suy giãn tĩnh mạch chi dưới tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khi đã có những những triệu chứng đặc thù. Bên cạnh bệnh nhân là những người lớn tuổi thì có nhiều người trẻ từ 30-40 tuổi.
Chị Ngọc Quyên (29 tuổi, TP HCM) đến thăm khám khi có các triệu chứng đau mỏi bàn chân, nóng râm ran ở bắp chân và thỉnh thoảng bị chuột rút vào ban đêm. Khi ngồi hoặc đứng lâu một chỗ thì phần chân của chị có cảm giác nặng nề, tê cứng, đau nhức.
Với trường hợp của chị Lan Hương (31 tuổi, Long An) lại xuất hiện rõ rệt những đường mạch máu màu xanh màu tím dưới da như mạng nhện, đi kèm cảm giác rối loạn như kiến bò rất khó chịu. Ngoài ra, vùng chân của chị cũng có hiện tượng phù nề nhẹ.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng - Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, sau khi làm xét nghiệm siêu âm doppler mạch máu kết hợp khai thác thói quen của bệnh nhân, những trường hợp trên đều được chẩn đoán mắc suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Đặc điểm chung của hai ca bệnh này là có mang giày cao gót trong một thời gian dài. Chính thói quen này khiến cho dòng máu bị hạn chế lưu thông và tạo áp lực cho các tĩnh mạch, lâu dần dẫn đến suy giãn tĩnh mạch chân.
Mang giày cao gót thường xuyên và đứng lâu là các nguyên nhân khiến người trẻ mắc suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Ảnh: Shutterstock
"Bên cạnh việc mang giày cao gót thường xuyên, những người phụ nữ trẻ có sử dụng thuốc tránh thai hoặc có sự thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, thay đổi nội tiết tố nữ (progesterone) trong quá trình thai nghén cũng là lý do dẫn đến suy giãn tĩnh mạch chân. Hormone progesterone gây ra tình trạng giãn thành mạch máu, các van nhỏ bên trong các tĩnh mạch bị suy yếu, lâu ngày khiến van không còn giữ được chức năng duy trì dòng máu theo một chiều từ dưới đi lên", bác sĩ Dũng cho biết.
Theo bác sĩ Dũng bệnh suy giãn tĩnh mạch chân gia tăng ở người trẻ cũng một phần đến từ thói quen ăn uống chưa khoa học. Trong đó việc tiêu thụ quá nhiều thức ăn nhanh, các loại đồ ăn dầu mỡ, không tốt cho sức khỏe với số lượng lớn, vượt quá nhiều lần so với nhu cầu của cơ thể dẫn đến tình trạng tăng cân nhanh chóng, quá mức. Việc tăng cân này sẽ tạo áp lực lên các tĩnh mạch, gây suy yếu và giãn ra theo thời gian. Đặc biệt nguy hiểm hơn ở những người thừa cân béo phì, các tĩnh mạch không thể nổi trên bề mặt da, dẫn đến khó phát hiện bệnh, điều trị muộn sẽ phức tạp hơn.
Do đó, việc thay đổi các thói quen không tốt và chủ động hiểu về cơ thể mình trước khi phải sử dụng thuốc hay các phương pháp điều trị luôn là điều cần ưu tiên, giúp phòng ngừa và ngăn bệnh suy giãn tĩnh mạch tiến triển.
Ngày càng có nhiều người trẻ đến kiểm tra tình trạng suy giãn tĩnh mạch tại BVĐK Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo đó, những người trẻ cần duy trì các hoạt động thể dục thể thao thường xuyên, trong đó lựa chọn các bộ môn phù hợp như đi bộ, xe đạp, bơi lội hay tập yoga. Đồng thời kết hợp chế độ ăn uống khoa học, ăn nhiều rau củ quả tươi, ngũ cốc nhằm bổ sung chất xơ và vitamin, duy trì cân nặng hợp lý. Ngoài ra nên chọn các trang phục thoải mái, rộng rãi và sử dụng các loại giày đế bằng. Đối với các công việc văn phòng phải ngồi nhiều hoặc đứng lâu thì thỉnh thoảng thay đổi tư thế, đi lại.
Việc thăm khám sức khỏe hằng năm cũng cần được quan tâm ở người trẻ giúp pháp hiện sớm các tình trạng bệnh, trong đó có suy giãn tĩnh mạch, để được điều trị sớm và hiệu quả.
Gia Hưng
Tags: Suy giãn tĩnh mạch chân chăm sóc sức khỏe sức khỏe tim