09/06/2022 05:38

Mẹo cai tật cắn móng tay

Theo bác sĩ Đinh Ngọc Liên, Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cắn móng tay thường bắt đầu từ thời thơ ấu và có thể tiếp tục cho đến khi trưởng thành. Thói quen xấu này ngoài việc gây mất thẩm mỹ, còn khiến vùng da xung quanh móng tay bị đau và có thể làm hỏng các mô giúp móng phát triển, dẫn đến móng tay trông bất thường. Cắn móng tay mãn tính cũng dễ khiến bạn dễ bị tổn thương khi truyền vi khuẩn và virus có hại từ miệng sang ngón tay, và từ móng tay sang mặt, miệng.

Để ngừng cắn móng tay, bác sĩ khuyên bạn nên áp dụng các mẹo, như:

Cắt ngắn móng tay: Có ít móng hơn sẽ giúp bạn ít cắn hơn và ít bị "cám dỗ" hơn.

Sơn móng tay có vị đắng lên móng. Loại này có sẵn không cần kê đơn, công thức an toàn nhưng có hương vị khó chịu sẽ khiến nhiều người ngừng cắn móng tay.

Dùng băng dính hoặc miếng dán để che móng tay hoặc đeo găng tay để tránh bị cắn.

Thay thế thói quen cắn móng tay bằng một thói quen tốt. Khi bạn cảm thấy muốn cắn móng tay của mình, hãy thử chơi với một quả bóng giảm căng thẳng hoặc miếng bột, đất nặn... Điều này sẽ giúp tay bạn luôn bận rộn và tránh xa miệng.

Xác định các yếu tố kích thích khiến bạn cắn ngón tay. Đây có thể là những yếu tố thể chất, chẳng hạn như sự xuất hiện của xước măng rô hoặc các tác nhân khác, như buồn chán, căng thẳng hoặc lo lắng. Bằng cách tìm ra nguyên nhân, bạn có thể tìm ra cách tránh những trường hợp này và lập kế hoạch ngăn chặn.

Cố gắng dần dần ngừng cắn móng tay. Trước tiên, hãy cố gắng ngừng cắn một ngón tay nào đó, chẳng hạn như móng tay cái. Khi điều đó thành công, sẽ loại bỏ dần móng tay ngón trỏ rồi tiến tới toàn bộ bàn tay. Mục tiêu là bạn không còn cắn móng tay nữa.

Đối với một số người, cắn móng tay có thể là dấu hiệu của một vấn đề tâm lý nghiêm trọng hơn. Nếu bạn đã nhiều lần cố gắng từ bỏ và vấn đề vẫn tiếp diễn, gây nhiễm trùng da và móng hãy tham khảo ý kiến chuyên gia y tế, bác sĩ Liên khuyến cáo.

Thư Anh

Tags: cắn móng tay thói quen xấu Thường thức về sức khỏe Tin