Năng lượng tái tạo – điểm sáng trong phát triển CN tỉnh Ninh Thuận
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, trong quý I/2024, các lĩnh vực xây dựng, thương mại, du lịch, năng lượng, công nghiệp tăng trưởng khá; một số sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo đang phục hồi, năng lực sản xuất mới phát huy hiệu quả.
Kết quả, GRDP ước đạt 5.812 tỷ đồng, tăng 8,26% so cùng kỳ và đứng thứ 10 của cả nước; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 1.207 tỷ đồng, đạt 30,2% kế hoạch năm.
Thông tin trên báo Công Thương, về công nghiệp, khâu đột phá về năng lượng tái tạo tiếp tục phát huy hiệu quả, đóng góp 2,84% GRDP.
Năng lượng tái tạo tăng trưởng mạnh, đóng góp 2,84% GRDP tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Trungnam Group.
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi và tăng trưởng khá, tăng 16,71%, là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây (giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến năm 2020 giảm 1,3%; năm 2021 tăng 10,7%; năm 2022 tăng 12,41%; năm 2023 tăng 3,72%; năm 2024 tăng 16,71%).
Cùng với đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu đã phục hồi và tăng cao, như muối biển tăng 61,3%; tinh bột sắn tăng 119,4%; đường RS tăng 29,2%; nha đam tăng 43,6%; muối chế biến tăng 8,9%; nước yến tăng 40,6%; khăn bông tăng 34,5%; may mặc tăng 111%; phân vi sinh tăng 8,6%; đá granite tăng 46,4%; điện sản xuất tăng 8,8%; điện thương phẩm tăng 15,1%; nước uống được tăng 2%; thú nhồi bông tăng 6,1 lần….
Các ngành dịch vụ tiếp tục phục hồi và tăng khá, trong 3 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 10.277 tỷ đồng, tăng 13,9%. Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 13,1%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 18,1%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 12,4%; doanh thu dịch vụ khác tăng 13,5%.
Hoạt động du lịch khá sôi động, lượng khách du lịch ước đạt 800 nghìn lượt khách (tăng 9,5% cùng kỳ, đạt 25% kế hoạch), trong đó khách quốc tế ước đạt 23,5 nghìn lượt (tăng 2,1 lần), giúp địa phương thu 750 tỷ đồng từ hoạt động du lịch.
Theo Kinh tế & Đô thị, để có được những kết quả trên, trong 3 tháng đầu năm, Ninh Thuận đã tăng cường hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất, chế biến, ngành công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi và tăng trưởng khá. Ngoài ra, địa phương cũng đã triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đồng thời, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt các Đồ án Quy hoạch lớn, quan trọng như Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 22/01/2024 về phê duyệt Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đến năm 2040 và tầm nhìn đến 2050.
Đồng thời, Ninh Thuận đang hoàn tất các thủ tục phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng (tỉ lệ 1/2000) Khu vực có ký hiệu số 2 thuộc Đồ án quy hoạch chung xây dựng khu du lịch ven biển phía Nam tỉnh; Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng (tỉ lệ 1/2000) KĐT mới núi Đá Chồng; Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Đô thị Lợi Hải... Cùng với đó là các đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng (tỉ lệ 1/500) Dự án Long Thuận Hotel - Villas Ninh Thuận; Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng (tỉ lệ 1/500) Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2), Tp. Phan Rang – Tháp Chàm.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu những tháng đầu năm của Ninh Thuận gặp nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu quý I/2024 ước đạt 21,5 triệu USD, giảm 3,6%, trong đó xuất khẩu thủy sản giảm sâu, giảm 55,3%, ước đạt 5,63 triệu USD do nguyên, nhiên vật liệu, cước vận tải tăng và nhu cầu thị trường tiêu thụ thủy sản thế giới giảm.
Theo chính quyền Ninh Thuận, việc một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, vật liệu xây dựng giảm; xuất khẩu thủy sản giảm sâu là do tác động của tình hình thế giới, nhu cầu thị trường giảm, giá cả nguyên, nhiên vật liệu tăng, chi phí logistics tăng cao; một số cơ chế, chính sách chưa được ban hành, có sự bất cập, thiếu thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật…
Trong thời gian tới, địa phương sẽ tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng cho một số sản phẩm công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn như sản xuất Bia, chế biến thủy sản, vật liệu xây dựng, đá, xi măng...
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; chú trọng nâng chất lượng dịch vụ; đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao.
Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, liên kết, hợp tác để thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài nhất là các sự kiện năm 2024; hoàn thành Đề án phát triển kinh tế ban đêm. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch trọng điểm, quy mô lớn, đẳng cấp cao; quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch…
Cũng theo UBND tỉnh Ninh Thuận, thời gian tới tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia nhất là tiến độ các công trình trọng điểm. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tổ chức lựa chọn và phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư dự án LNG Cà Ná trong Quý II/2024.
Tỉnh cũng tập trung hoàn tất các thủ tục và đẩy nhanh tiến độ dự án thủy điện tích năng Bác Ái, KCN Cà Ná, cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 2; các dự án hạ tầng truyền tải điện 500kV, 220kV, 110kV đoạn qua địa bàn tỉnh; các dự án thứ cấp trong các khu, cụm công nghiệp.
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng dự kiến tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với xúc tiến đầu tư trong quý 2/2024.
Minh Hoa (t/h)
Tags: năng lượng tái tạo Ninh Thuận đột phá thương mại du lịch