Phụ nữ Scotland được dùng băng vệ sinh miễn phí
Luật Sản phẩm Kinh nguyệt được các nhà lập pháp Scotland nhất trí thông qua hồi tháng 11/2020, thể hiện chiến thắng mang tính bước ngoặt trong phong trào giúp đỡ phụ nữ nghèo không thể tiếp cận sản phẩm kinh nguyệt. Đây là luật đầu tiên trên thế giới kiểu này, có hiệu lực từ 15/8 ở Scotland.
Các sản phẩm kinh nguyệt sẽ được cung cấp miễn phí tại nơi công cộng như trường phổ thông và đại học khắp Scotland. Chính quyền địa phương và các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục có trách nhiệm đảm bảo cung cấp sản phẩm miễn phí.
Băng vệ sinh bày bán trong một siêu thị ở Dunbar, Scotland, ngày 25/11/2020. Ảnh: CNN
"Chúng tôi rất tự hào về điều đã làm được ở Scotland", Monica Lennon, nhà lập pháp đảng Lao động người đã đề xuất dự luật hồi tháng 4/2019, viết trên Twitter ngày 15/8. "Chúng ta là nơi đầu tiên nhưng sẽ không phải là nơi cuối cùng".
Lennon cho rằng 20% số phụ nữ sẽ tận dụng chương trình này vì số liệu thống kê bất bình đẳng cho thấy gần 20% phụ nữ ở Scotland sống trong tình trạng tương đối đói nghèo, không đủ tiền để chi trả cho các mặt hàng kinh nguyệt.
Trong những năm qua Scotland đã có nhiều động thái liên quan đến vấn đề này. Năm 2018, chính phủ Scotland thông báo sinh viên các trường phổ thông, cao đẳng và đại học trên toàn quốc sẽ được sử dụng sản phẩm kinh nguyệt miễn phí thông qua khoản đầu tư 6,3 triệu USD. Năm 2019, chương trình phân bổ thêm 4,85 triệu USD cung cấp sản phẩm kinh nguyệt miễn phí trong thư viện và các trung tâm giải trí.
Theo khảo sát năm 2017 của International UK, tại Vương quốc Anh, cứ 10 cô gái trong độ tuổi 14-21 thì một người không đủ khả năng mua sản phẩm kinh nguyệt. Cuộc khảo sát cũng cho biết gần 50% cảm thấy xấu hổ khi tới kỳ kinh nguyệt và khoảng một nửa nghỉ học cả ngày khi kỳ kinh tới.
Thị trưởng London Sadiq Khan đã ca ngợi luật mới trên Twitter và kêu gọi chính phủ Anh hành động nhiều hơn.
"Thật là một ngày đáng nhớ. Xin nhận công lao của nhiều nhà vận động, công đoàn và Monica Lennon đã hiện thực hóa luật", ông Khan viết. "Giờ đã tới lúc chính phủ Anh phải làm theo và chấm dứt tình trạng phụ nữ nghèo không thể tiếp cận sản phẩm kinh nguyệt".
Tháng 1/2021, Anh đã bỏ thuế giá trị gia tăng 5% với các sản phẩm kinh nguyệt. Trên toàn cầu, chỉ một số ít quốc gia áp dụng mức thuế 0% với các sản phẩm kinh nguyệt bao gồm Canada, Ấn Độ, Australia, Kenya và một số bang ở Mỹ. Năm ngoái, Đức nhất trí giảm thuế với các sản phẩm vệ sinh phụ nữ sau khi cho rằng chúng là nhu yếu phẩm.
Hồng Hạnh (Theo CNN)
Tags: Scotland phụ nữ đói nghèo kinh nguyệt băng vệ sinh