Tin tức Đời sống 29/2: Loại rễ cây quý như vàng giúp phòng ung thư
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Hà Vũ Thành, Bệnh viện K (Hà Nội), tam thất là vị thuốc nổi tiếng được sử dụng lâu đời ở nước ta. Vị thuốc này còn được gọi là kim bất hoán (vàng không đổi). Tam thất là những cây hay mọc ở vùng núi cao như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai. Các bộ phận được dùng làm thuốc gồm cây, lá, hoa trong đó rễ là quý nhất.
Bác sĩ Thành cho biết cách dùng rễ tam thất phổ biến là sấy khô tán bột. Trong thành phần của củ tam thất có chứa chất saponin nhóm dammaran. Một số nghiên cứu chỉ ra củ tam thất có hàm lượng saponin cao ngang với nhân sâm, ngoài ra còn chứa các axit amin, các chất polyactylen, panaxytriol…
Người dân dùng tam thất để bồi bổ sức khỏe vì có nhiều tác dụng cho cơ thể. Bạn có thể dùng rễ, lá, cây tam thất để cầm máu nếu có chấn thương. Tam thất còn điều hòa miễn dịch, kích thích cải thiện khả năng ghi nhớ, tránh căng thẳng.
Y học hiện đại cũng thấy rằng tam thất chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa, ngăn ngừa nhiều bệnh tật trong đó có bảo vệ mạch máu. Người bị bệnh tim mạch dùng tam thất có thể cải thiện tình trạng bệnh. Tam thất cũng hỗ trợ trong điều trị ung thư, kháng khuẩn, kháng virus. Dân gian dùng tam thất trị u thũng.
Trong Đông y, tam thất có vị ngọt, tính ấm quy vào các kinh can, thận. Tam thất có tác dụng cầm máu chữa thổ huyết, chảy máu cam, trị các vết bầm tím, chữa đi ngoài ra máu, kiết lị, rong kinh, hoa mắt chóng mặt.
Với người bệnh ung thư, tam thất có tác dụng hỗ trợ cho người bệnh ung thư thực quản, đại trực tràng… Phụ nữ sau sinh đẻ dùng tam thất rất tốt giúp giảm sưng nề, viêm tấy, lưu thông khí huyết, đào thải sản dịch.
Tuy nhiên, tam thất tốt nhưng bạn không nên dùng nhiều. Liều lượng mỗi ngày là 5g bột tam thất. Bởi việc dùng tam thất kéo dài có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe như nóng, u nhọt, mệt mỏi.
Lưu ý, một số người không nên dùng tam thất là bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa hay tiêu chảy, rối loạn đông máu, trẻ em.
Về cách dùng, bột tam thất có thể pha nước không cần dùng cùng mật ong. Những người bị bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường nếu muốn dùng thêm tam thất bồi bổ cho sức khỏe nên xin tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để sử dụng an toàn, hiệu quả.
Uống cà phê, "trị" được 2 nỗi ám ảnh tuổi 50
Một công trình vừa được công bố trên tạp chí y học BMC Medicine cho thấy thói quen uống cà phê hằng ngày sẽ giúp chúng ta chống lại nguy cơ béo phì và viêm xương khớp rất hiệu quả khi tuổi tác lớn dần.
Đó là hai vấn đề gây ám ảnh với nhiều người ở độ tuổi trung niên, đặc biệt là sau 50 tuổi, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống và có thể gián tiếp dẫn đến nhiều hậu quả sức khỏe khác.
Dựa vào một số bằng chứng sơ khởi, nhóm nghiên cứu Anh - Đan Mạch - Mỹ - Thụy Sĩ - Hy Lạp, dẫn đầu bởi TS Loukas Zagkos từ Đại học Hoàng gia London (Anh) và TS Héléne T.Cronjé từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch), đã tìm hiểu tác động của cà phê lên 2 tình trạng nói trên.
Cà phê được chọn lựa để nghiên cứu vì là một trong những loại đồ uống phổ biến nhất thế giới, dễ dàng đưa vào chế độ dinh dưỡng của mọi người và đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe ở nhiều mặt khác.
Tổng cộng dữ liệu của hơn 177.000 người bị viêm xương khớp và hơn 649.000 người đối chứng đã được đưa vào nghiên cứu. Các tình nguyện viên này có độ tuổi từ 47-71.
Kết quả cho thấy những người có nồng độ caffeine dồi dào trong huyết tương - do thói quen uống cà phê hằng ngày - có nguy cơ bị viêm xương khớp thấp hơn 10% so với những người không uống hoặc hiếm khi uống.
Khoảng 1/3 tác động có lợi lên bệnh viêm xương khớp là tác động gián tiếp thông qua việc chống béo phì, bởi người uống cà phê đa phần có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp hơn người không uống với chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt tương đương nhau.
Bởi lẽ, béo phì từ lâu đã được chứng minh là tác động bất lợi lên bệnh xương khớp, thúc đẩy tình trạng viêm.
Mức caffeine trong huyết tương càng cao - chứng tỏ uống cà phê, trà hay các chất giàu caffeine khác càng nhiều - thì BMI có xu hướng càng giảm.
Đây cũng không phải điều quá bất ngờ, bởi một số nghiên cứu trước đó cho thấy các hợp chất có lợi trong cà phê thúc đẩy quá trình chuyển hóa được tốt hơn, giúp giảm béo, giảm mỡ hiệu quả.
Vì vậy, các tác giả kết luận việc duy trì thói quen uống cà phê đều đặn là một trong những biện pháp dễ làm để tự bảo vệ sức khỏe.
Xét về tác động trên diện rộng, sự phổ biến của cà phê góp phần giảm gánh nặng toàn cầu về béo phì và viêm xương khớp, nhất là trong bối cảnh dân số thế giới đang già hóa.
Bác sĩ chỉ ra nghiện cờ bạc là bệnh lý tâm thần thường gặp của người
Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức tọa đàm "Đánh bạc bệnh lý - Hậu quả và những vấn đề cảnh báo".
Tại cuộc tọa đàm, bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, tình trạng gười lớn và thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn cờ bạc thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát cờ bạc và tiếp tục ngay cả khi đã gây ra hệ lụy.
Bác sĩ Ngọc nhấn mạnh: “Cũng như các chứng nghiện khác, nghiện cờ bạc khiến não bị rối loạn. Nghiện đánh bạc sẽ thôi thúc tiếp tục đánh bạc, người nghiện không kiểm soát được, bất chấp số tiền phải trả cho trò chơi và những ảnh hưởng đến cuộc sống".
"Đặc biệt, rối loạn cờ bạc thường xảy ra đồng thời với các rối loạn do sử dụng chất gây nghiện, rối loạn cảm xúc, lo âu và nhân cách. Điều này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng”, bác sĩ Ngọc nói.
Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc cho biết: Các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người mắc chứng rối loạn cờ bạc có tỷ lệ rối loạn nhân cách rất cao, trên 60%; rối loạn cảm xúc khoảng 50%; rối loạn lo âu trên 40%.
Bệnh nhân có thể được trị liệu tâm lý, điều biến não, liệu pháp hóa dược. Sau khi ra viện, họ cần được tái khám và hỗ trợ nhiều về mặt tâm lý từ gia đình và nhà trị liệu.
Chuyên gia này chỉ ra, đặc trưng của rối loạn cờ bạc là hệ thống cấu trúc và chức năng não bộ bị rối loạn, rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh, cùng với sự tương tác giữa các yếu tố cá nhân, môi trường, gia đình và xã hội.
Bệnh nhân có 4 hoặc nhiều hơn các dấu hiệu như nhu cầu đánh bạc với số tiền ngày càng tăng để đạt được sự hưng phấn mong muốn. Bồn chồn hoặc cáu kỉnh khi cố gắng cắt giảm hoặc ngừng đánh bạc.
Đã nhiều lần nỗ lực nhưng không thành công để kiểm soát, cắt giảm hoặc ngừng cờ bạc. Thường bận tâm đến cờ bạc (ví dụ có những suy nghĩ dai dẳng về việc hồi tưởng lại những trải nghiệm cờ bạc trong quá khứ hoặc lên kế hoạch cho cuộc mạo hiểm tiếp theo, nghĩ cách kiếm tiền để đánh bạc). Nói dối để che giấu mức độ liên quan đến cờ bạc...
"Những người mắc chứng rối loạn cờ bạc có thể kèm rối loạn ăn uống, giấc ngủ, tập luyện và các hành vi liên quan đến sức khỏe khác, từ đó dẫn đến kết quả tiêu cực về thể chất và tâm thần", bác sĩ Ngọc nói.
Theo vị này, người nghiện cờ bạc được chẩn đoán khi có một hoặc nhiều triệu chứng như nhu cầu đánh bạc với số tiền ngày càng tăng để đạt được sự hưng phấn mong muốn. Bồn chồn hoặc cáu kỉnh khi cố gắng cắt giảm hoặc ngừng đánh bạc.
Đã nhiều lần nỗ lực nhưng không thành công để kiểm soát, cắt giảm hoặc ngừng cờ bạc. Thường bận tâm đến cờ bạc (ví dụ: có những suy nghĩ dai dẳng về việc hồi tưởng lại những trải nghiệm cờ bạc trong quá khứ hoặc lên kế hoạch cho cuộc mạo hiểm tiếp theo, nghĩ cách kiếm tiền để đánh bạc).
Thường đánh bạc khi cảm thấy đau khổ (ví dụ: bất lực, tội lỗi, lo lắng, chán nản). Sau khi thua bạc trong cờ bạc, thường quay trở lại vào một ngày khác để hòa vốn ("đuổi theo" số tiền thua lỗ). Nói dối để che giấu mức độ liên quan đến cờ bạc. Đã gây nguy hiểm hoặc mất đi một mối quan hệ, công việc, hoặc cơ hội giáo dục hoặc nghề nghiệp quan trọng vì cờ bạc.
Dựa vào người khác để cung cấp tiền để giảm bớt các tình huống tài chính tuyệt vọng do cờ bạc gây ra. Bác sĩ Ngọc cho biết: Cách phòng ngừa để không mắc Rối loạn cờ bạc thì chỉ có một liệu pháp duy nhất là không chơi, không sa đà vào thú vui “đỏ - đen”.
Để phòng ngừa tái mắc cờ bạc bệnh lý, bệnh nhân cần phải cách ly khỏi các trò chơi cá cược. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp quan tâm của gia đình, nỗ lực của bản thân. Bệnh nhân có thể cần được trị bằng các phương pháp trị liệu tâm lý, điều biến não, liệu pháp hóa dược kết hợp. Sau khi ra viện, họ cần được tái khám và hỗ trợ nhiều về mặt tâm lý từ gia đình và nhà trị liệu.
T.M (tổng hợp)
Tags: đời sống